Chức năng, nhiệm vụ Khoa

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA KHOA DƯỢC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT Y-DƯỢC ĐÀ NẴNG:

Ngành Dược ngày càng trở nên độc lập và phát triển trên cơ sở là một bộ phận không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe của con người, trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế và sự phân công xã hội. Tính chất của hoạt động dược gồm cả các mặt: khoa học công nghệ, kinh tế thương mại và dịch vụ cộng đồng.
    Khoa Dược là đơn vị quản lý hành chính cơ sở của trường, có các nhiệm vụ sau:
  1. Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức quá trình đào tạo cho ngành Dược bao gồm các hệ đào tạo: Đại học Dược chính quy, đại học dược liên thông chính quy từ Cao đẳng;
  2. Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các học phần theo chương trình đào tạo được Hiệu trưởng phê duyệt. Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy – học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;
  3. Tổ chức các hoạt động Khoa học và Công nghệ, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Phối hợp với các tổ chức Dược như: Phòng Nghiệp vụ Dược và phòng Quản lý hành nghề Y Dược tư nhân của Sở Y tế; Công ty Sản xuất dược phẩm; Công ty Kinh doanh Dược phẩm và Thiết bị y tế; Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm; Khoa Dược bệnh viện… gắn quá trình đào tạo với sản xuất kinh doanh và thực tiễn đời sống xã hội;
  4. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ nhân viên thuộc khoa;
  5. Quản lý giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên thuộc khoa;
  6. Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học;
  7. Quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
1. BỘ MÔN HÓA DƯỢC:
Bộ môn Hóa dược có chức năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo chương trình chi tiết đã được phê duyệt, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phù hợp với chuyên môn, quản lý viên chức bộ môn và tham gia giáo dục rèn luyện sinh viên.
Hiện nay, Bộ môn đang chịu trách nhiệm giảng dạy các môn học: Hóa hữu cơ, Hóa lý dược, Hóa dược, Nghiên cứu và phát triển thuốc mới. Ngoài ra Bộ môn còn tham gia hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học.
Hóa dược là ngành khoa học dựa trên nền tảng là hóa học để từ đó nghiên cứu các vấn đề của các ngành khoa học sinh học, y học và dược học, Hóa dược bao gồm việc nghiên cứu  khám phá, phát minh, thiết kế, xác định và tổng hợp các chất có tác dụng hoạt tính sinh học, nghiên cứu sự chuyển hóa, giải thích cơ chế tác động của chúng ở mức độ phân tử, xây dựng các mối quan hệ giữa cấu trúc và tác dụng sinh học hay tác dụng dược lý và mối quan hệ định lượng giữa cấu trúc và tác dụng sinh học hay tác dụng dược lý
Hóa dược còn là một ngành khoa học thể hiện sự kết hợp giữa hóa hữu cơ và sinh hóa, hóa tin học, dược lý, sinh học phân tử, toán thống kê và hóa lý.
2. BỘ MÔN DƯỢC LÝ – DƯỢC LÂM SÀNG:
Bộ môn Dược lý – Dược lâm sàng đảm nhiệm giảng dạy các môn học: Dược động học, Dược lý,  Dược lâm sàng, Sử dụng thuốc trong điều trị.

Các môn học trên trang bị cho Sinh viên những kiến thức về dược động học của thuốc: quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ. Cơ chế tác dụng và các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, tác dụng không mong muốn của thuốc để áp dụng vào điều trị, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Ngoài công tác giảng dạy, Bộ môn còn thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học theo các định hướng sau:
– Nghiên cứu tác dụng dược lý của một số chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu hay tổng hợp hóa dược
– Khảo sát hiệu quả của việc điều trị cũng như tác dụng phụ của các phát đồ, theo dõi ADR, theo dõi nồng độ thuốc trong điều trị…
– Khảo sát quá trình chăm sóc dược tại Bệnh viện và cộng đồng, cũng như các biện pháp nâng cao chất lượng điều trị.

3. BỘ MÔN BÀO CHẾ – CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT DƯỢC:
   Bộ môn Bào chế – CNSXD đảm nhiệm giảng dạy các học phần: Thực hành các thao tác cơ bản trong phòng thí nghiệm, Bào chế và Sinh dược học các dạng thuốc, Sản xuất thuốc, Các dạng thuốc đặc biệt…
Phần giảng dạy lý thuyết trang bị cho sinh viên các kiến thức về:
– Những vấn đề cơ bản về các dạng thuốc.
– Đặc điểm, các yêu cầu và một số yếu tố sinh học ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả trị liệu từng dạng thuốc.
– Đặc điểm và cách sử dụng các tá dược thông dụng, các thiết bị chủ yếu, các loại bao bì được dùng trong bào chế các dạng thuốc.
– Phương pháp và kỹ thuật điều chế các dạng thuốc.
– Các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá chất lượng từng dạng thuốc.
Bộ môn đã cải tiến hình thức học lý thuyết và thực tập nhằm trang  bị cho sinh viên kỹ năng hoạt động nhóm, phương pháp tra cứu tài liệu, kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực hành để viết đề cương, xây dựng và tiến hành bào chế, đánh giá một công thức thuốc. Mô hình học tập này giúp sinh viên tiếp cận với nhiệm vụ thực tế của một dược sĩ làm công tác nghiên cứu và phát triển thuốc. Song song đó, các dụng cụ, máy móc phục vụ thực tập cũng từng bước được thay đổi, hiện đại hóa cho phù hợp với yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới.
4. BỘ MÔN DƯỢC LIỆU – THỰC VẬT– DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN:
   Bộ môn đảm nhiệm giảng dạy môn học chuyên môn về Dược liệu, Thực Vật, Dược học cổ truyền cho cấp bậc đại học hệ chính quy và liên thông. Ngoài công tác giảng dạy, bộ môn còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng cao.
Mục tiêu giảng dạy:
– Cung cấp những kiến thức về nguồn gốc, thành phần hóa học, kiểm nghiệm, tác dụng và công dụng của dược liệu và các phương pháp khoa học để nghiên cứu thành phần hóa học và đánh giá chất lượng dược liệu.
– Cung cấp các kiến thức về giải phẫu thực vật, phân loại thực vật và phương pháp xác định tên khoa học của cây, phương pháp kiểm nghiệm dược liệu bằng cấu trúc vi học.
– Cung cấp những kiến thức về nguồn gốc, tính vị quy kinh, công năng, chủ trị, bào chế, kiểm nghiệm các vị thuốc bài thuốc cổ truyền.
– Cung cấp những kiến thức cơ bản về thực trạng trồng và phát triển cây thuốc ở Việt Nam, các chính sách quy hoach, phân vùng cây thuốc, phát triển cây thuốc và nguồn gen cây thuốc, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trồng cây thuốc.
Hướng nghiên cứu:
– Nghiên cứu đặc điểm thực vật, sinh thái các dược liệu có tiềm năng.
– Nghiên cứu hiện đại hóa các dạng thuốc cổ truyền.
– Sàng lọc tác dụng dược lý của dược liệu và các hợp chất tự nhiên có tiềm năng.
+ Nghiên cứu tìm và/ hoặc chứng minh tác dụng của cây thuốc theo định hướng của các thử nghiệm sinh học.
+ Nghiên cứu xác định nhóm hoạt chất theo định hướng của thử nghiệm sinh học.
– Kiểm nghiệm, tiêu chuẩn hóa từ dược liệu. các thuốc từ dược liệu:
+ Nghiên cứu thành phần hóa học của các dược liệu
+ Nghiên cứu các phương pháp phát hiện giả mạo, các chất không mong muốn trong dược liệu và các chế phẩm từ dược liệu.
+ Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn kiểm nghiệm dược liệu và các chế phẩm từ dược liệu bằng phương pháp hiện đại
+ Nghiên cứu đánh giá chất lượng dược liệu, chế phẩm từ dược liệu.

5. BỘ MÔN KIỂM NGHIỆM THUỐC:

   Bộ môn Kiểm nghiệm thuốc là bộ môn thuộc cả hai khối cơ bản: giảng dạy Hóa phân tích và khối nghiệp vụ: giảng dạy Kiểm nghiệm thuốc, độc chất học, độ ổn định của thuốc và mỹ phẩm…
Cung cấp kiến thức cơ bản về hóa học phân tích (gồm định tính, định lượng và phân tích bằng dụng cụ, trang thiết bị máy móc) cho sinh viên Dược làm nền tảng giúp sinh viên tiếp thu tốt các nghiệp vụ
Cung cấp kiến thức về nghiệp vụ kiểm nghiệm (gồm các kiến thức chuyên môn cần đạt đến trong lãnh vực kiểm nghiệm: thẩm định các trang thiết bị để tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở kiểm nghiệm các dạng nguyên liệu và dược phẩm, khảo sát các vấn đề như thử độ ổn định thuốc, thử tương đương sinh học… liên quan đến việc đưa thuốc đảm bảo chất lượng ra thị trường) cho các học viên dược làm nền tảng giúp các học viên có kiến thức chuyên môn trong Kiểm nghiệm thuốc.
Ngoài công tác giảng dạy, bộ môn còn tham gia nghiên cứu khoa học. Hướng nghiên cứu của bộ môn trong thời gian tới:
– Tiêu chuẩn hóa các dược phẩm có nguồn gốc từ đông dược
– Khảo sát độ ổn định của các chế phẩm tân dược và đông dược
– Khảo sát độ ổn định, thử độ vệ sinh và thử tính an toàn của mỹ phẩm
– Khảo sát độ ổn định của bao bì và đồ đựng dược phẩm

6. BỘ MÔN QUẢN LÝ VÀ KINH TẾ DƯỢC:

   Bộ môn Quản lý và Kinh tế dược là Bộ môn nghiệp vụ của Khoa Dược, Bộ môn đã triển khai giảng dạy cho sinh viên hệ đại học (chính quy, liên thông) và cao đẳng, với các môn học chung phục vụ các qui định quản lý  trong ngành Dược gồm: Quản lý và Kinh tế dược, Pháp chế dược; một số môn học phục vụ cho định hướng chuyên ngành Quản lý và Kinh tế dược gồm: Quản lý cung ứng thuốc, Quản trị doanh nghiệp dược, Dược cộng đồng, Marketing dược, Dược xã hội học,Thực hành tốt quản lý và tồn trữ thuốc (GDP, GSP, GPP) và một số kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập mối quan hệ để cộng tác có hiệu quả với đồng nghiệp và đối tác.
Sau khi học xong các môn học thuộc lĩnh vực Quản lý Dược như: Dược xã hội học, Pháp chế dược và Kinh tế dược, người học sẽ  hiểu biết và trình bày được:
– Các qui định của Pháp luật đối với các lĩnh vực ngành nghề dược.
– Một số khái niệm kinh tế cơ bản, các lọai hình doanh nghiệp dược Việt Nam và một số phương thức trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.
– Các chính sách, đường lối, phương hướng của Đảng với nhà nước ta đối với lĩnh vực Y tế.
Ngoài ra, Bộ môn cũng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực Quản lý dược, hướng nghiên cứu sắp tới của Bộ môn là:
– Thực trạng và giải pháp tăng cường đào tạo nhân lực dược.
– Thực trạng việc chấp hành các qui chế dược trong các lĩnh vực hành nghề dược ( bán lẻ thuốc, quản lý chất lượng thuốc, dược bệnh viện v.v…)
– Xây dựng mô hình quản lý dược bệnh viện hướng lâm sàng.
– Rà soát và hệ thống hóa các văn bản qui phạm Pháp luật về Dược.